Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký năm 2020 giữa ASEAN với 5 nước đối tác (Úc, Niu Di-lân, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) là hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất, bao trùm 30% GDP toàn cầu. RCEP được xây dựng dựa trên các cam kết đã có trong khuôn khổ các FTA trước đây của ASEAN với các nước đối tác kể trên (ASEAN+6) trừ Ấn Độ. RCEP sẽ xóa bỏ khoảng 90% số dòng thuế trong vòng 20 năm kể từ khi có hiệu lực với tốc độ cắt giảm thuế ở các nhóm ngành khá khác nhau.
Báo cáo này được thực hiện nhằm làm rõ ảnh hưởng của RCEP tới chuỗi cung ứng ở Việt Nam. Trong thực tế, việc định hình chuỗi cung ứng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thay đổi cấu trúc sản xuất của các đối tác thương mại và đầu tư, biến động kinh tế, địa chính trị, phát triển công nghệ, các thỏa thuận thương mại, đầu tư khu vực, song phương và đa phương… Chính vì vậy, việc đánh giá xu hướng của các chuỗi cung ứng sẽ đòi hỏi cách tiếp cận tổng hợp, đa chiều và khá phức tạp. Trong khuôn khổ của Báo cáo này, Nhóm nghiên cứu không có ý định đưa ra những phân tích về việc hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng của Việt Nam nói chung, mà tập trung sâu hơn vào ảnh hưởng của một hiệp định đơn lẻ là RCEP tới các chuỗi cung ứng. Ngay cả với Hiệp định này, có rất nhiều các cam kết khác nhau đều có thể có ngụ ý đến định hình chuỗi như cắt giảm thuế quan, RoO, mở cửa và bảo hộ đầu tư, SHTT, phát triển doanh nghiệp, các cam kết của các đối tác khác trong RCEP với nhau… Báo cáo tập trung vào hai yếu tố đầu tiên là xem xét lộ trình cắt giảm thuế và việc hài hòa hóa RoO, do đây là những yếu tố trực tiếp ảnh hưởng tới việc định hình các chuỗi cung ứng của Việt Nam. Đồng thời cũng tập trung sâu hơn vào bốn chuỗi chủ yếu hiện nay là điện tử, ô tô, dệt và may mặc. Đây là những nhóm ngành được đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hiện nay do có tỷ trọng xuất-nhập khẩu lớn. Tác động của RCEP về tái định hình các chuỗi cung ứng trong các nhóm ngành này trong trung và dài hạn sẽ ảnh hưởng tới cả tăng trưởng, đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng nhấn mạnh hơn vào việc tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Việt Nam và so sánh với doanh nghiệp FDI với ngụ ý chính sách nhằm tăng khả năng tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam.
Báo cáo bằng tiếng Việt có thể xem tại đây.