Chủ đề riêng lẻ
Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) được ký kết trên tinh thần hợp tác toàn diện, cân bằng lợi ích giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU). Đây là một trong những FTA thế hệ mới kỳ vọng mang lại lợi ích chiến lược cho Việt Nam thông qua sự phát triển quan hệ thương mại-đầu tư với một trong những đối tác lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam.
- EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ngay trong lòng EU
Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực vào ngày 01/8/2020, Chính phủ Việt Nam cùng với các Bộ, ngành liên quan đã ban hành một loạt các văn bản hướng dẫn và kế hoạch thực hiện EVFTA. Sau một năm Hiệp định có hiệu lực, đã có 19 Bộ, ngành và 57 tỉnh thành phố trên cả nước ban hành kế hoạch thực hiện EVFTA. Mặc dù hệ thống pháp luật Việt Nam đã có những điều chỉnh quan trọng ngay từ trước khi Hiệp định được ký kết, nhằm đáp ứng những yêu cầu của EVFTA, cho đến nay vẫn còn một số bất cập liên quan đến các luật chuyên ngành và vấn đề thực thi pháp luật. Trong đó đáng lưu ý nhất là những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn môi trường do còn tồn tại
nhiều khác biệt trong các quy định cũng như cách hiểu giữa hai bên. Ngoài ra, liên quan đến vấn đề về quyền lao động, phía EU cho rằng Việt Nam cần đảm bảo quyền tự do liên kết (theo Công ước số 87) và quyền thương lượng tập thể (theo Công ước số 98) của người lao động. Nhìn lại những gì Việt Nam đã thực hiện từ trước và sau một năm ký kết EVFTA, có thể nhận định là Việt Nam đang đi theo chiến lược “dễ làm trước, khó làm sau”. Vì thế, có thể dự báo trong thời gian tiếp theo, tốc độ thay đổi (cải cách) luật pháp ở Việt Nam sẽ chậm dần so với yêu cầu của EVFTA.
- Sự dịch chuyển của thị trường nhập khẩu
Có một hiện tượng đáng lưu ý sau một năm ký EVFTA diễn ra trên thị trường nhập khẩu. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường các nước EU đạt 16,51 tỷ USD, tăng hơn 24% so với một năm trước khi EVFTA có hiệu lực. Tăng trưởng đột biến diễn ra trong lĩnh vực máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Các lĩnh vực khác không có thay đổi đột biến, ngoại trừ nhập khẩu dược phẩm tăng và máy móc thiết bị giảm (phù hợp với bối cảnh đại dịch).
Nhìn chung, tăng trưởng nhập khẩu nhanh hơn xuất khẩu cho thấy dấu hiệu của sự thay đổi trong mô thức thương mại giữa Việt Nam và EU theo hướng giảm thặng dư thương mại. Thặng dư thương mại giảm không có nghĩa rằng Việt Nam đang gặp bất lợi trong quan hệ thương mại với EU. Với việc tăng cường nhập khẩu từ EU, với giả định nhu cầu trong nước chưa thay đổi quá nhiều trong thời gian ngắn, thì đây là bằng chứng cho thấy có sự chuyển hướng nhập khẩu khỏi các thị trường khác. Điều đó hàm ý rằng trước đây doanh nghiệp và người tiêu dùng phải nhập khẩu từ những thị trường có giá rẻ hơn (và do đó là chất lượng thấp hơn), nhờ việc giảm thuế nhập khẩu từ
thị trường EU, đã chuyển sang nhập nhiều hang hóa từ EU với chất lượng cao hơn với mức giá cạnh tranh do được giảm thuế. Như vậy, người tiêu dùng trong nước có thể được hưởng lợi từ việc này. EU có thế mạnh vượt trội về dược phẩm, máy móc, thiết bị và đặc biệt là công nghệ, đều là những mặt hàng Việt Nam cần cho phát triển.
- COVID-19 có tác động tiêu cực rất lớn, nhưng không vì thế bỏ qua các vấn đề nội tại của nền kinh tế
Năm đầu tiên thực hiện EVFTA lại là năm Việt Nam, EU và cả thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, do đó, kết quả thương mại tổng thể do EVFTA mang lại có thể bị che khuất bởi hậu quả bởi đại dịch. Để bóc tách hai loại ảnh hưởng này, chúng tôi đã xây dựng một mô hình toán mô phỏng để thử ước lượng tác động riêng phần của EVFTA trong năm đầu tiên. Kết quả cho thấy, với giả định không tồn tại dịch COVID-19, và các điều kiện khác không thay đổi, kể cả việc chưa tồn tại EVFTA, thì kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam trong một năm qua đã có thể đạt 45,46 tỷ USD (so với con số 39,7 tỷ USD trên thực tế). Khi có thêm các chính sách miễn giảm thuế quan theo EVFTA, thì trị giá xuất khẩu hàng hóa có thể lên tới 51,04 tỷ USD, tăng 12,27% so với trường hợp chưa ký EVFTA và không có COVID-19. Trong khi đó, con số thực tế sau năm đầu tiên thực hiện EVFTA, kim ngạch xuất khẩu chỉ là 39,7 tỷ USD, cho thấy hậu quả to lớn của đại dịch COVID-19. Nói cách khác, nếu không có COVID-19, có thể chúng ta đã chứng kiện sự bùng nổ xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong năm đầu tiên thực hiện Hiệp định. Hy vọng rằng tiềm năng to lớn này sẽ được thực hiện sau khi dịch COVID-19 đã được đẩy lui.
- Bối cảnh thế giới và khu vực đang thay đổi, Việt Nam cần tiếp tục cải cách và thay đổi nhằm tận dụng lợi thế
Việt Nam đang là nước dẫn đầu trong thương mại hai chiều với EU, có thể coi như một cửa ngõ (gateway) của EU vào Đông Nam Á và có thể là cả Trung Quốc. Nhưng lợi thế này không phải là mãi mãi. Hiện EU cũng đang đàm phán FTA với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippine và Indonesia (sau thương vụ đàm phán FTA với khu vực ASEAN sụp đổ). Đây đều là các quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa sang khu vực EU. Do đó, Việt Nam cần tận dụng tối đa lợi thế và cơ hội của người đi trước để duy trì và phát huy lợi thế sẵn có trong quan hệ thương mại với EU. Để có thể đạt được những lợi ích lâu dài và
bền vững từ EVFTA, thay vì những lợi ích trước mắt từ tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu hay dịch vụ, Việt nam cần hiểu rõ sự hạn chế của chiến lược “hái quả dưới thấp” như được đề cập trong đoạn đầu. Nói cách khác, nếu chỉ dừng lại ở những cải cách đơn giản, mà né tránh hoặc trì hoãn những cải cách mạnh mẽ - và khó khăn hơn – thì những lợi thế hiện có của Việt Nam như một trong những thành viên đầu tiên của ASEAN (chỉ sau Singapore) ký FTA với EU, sẽ phai nhạt nhanh chóng. Đây là điều mà bộ máy lập pháp và người làm chính sách cần lưu ý để phát huy tốt nhất những gì đã đạt được từ EVFTA.