Được thông qua vào ngày 19 tháng 6 năm 2023, BBNJ là hiệp định thực thi thứ ba của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và đã được hơn 100 bên tham gia ký kết, bao gồm Việt Nam và Đức. Đây là hiệp định rất quan trọng để tăng cường bảo vệ đại dương, thúc đẩy công bằng và bình đẳng, giải quyết suy thoái môi trường, chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn mất đa dạng sinh học ở biển cả.
Sự kiện hôm nay đã thu hút sự tham gia của gần 20 diễn giả hàng đầu ở trong và ngoài nước cùng với hơn 200 đại biểu tại chỗ và trực tuyến. Chủ đề của các phiên thảo luận tập trung vào (i) nội dung chính của Hiệp định BBNJ, (ii) triển vọng mới trong các quy định về đáy biển sâu, (iii) các cơ hội và thách thức cho hợp tác tiếp theo trong các Khu vực Ngoài Phạm vi Quyền tài phán Quốc gia (ABNJ).
Trong sự kiện này chúng tôi rất vinh dự khi có sự tham gia của Bà Rena Lee, Đại sứ Singapore về các vấn đề Đại dương và Luật Biển và Chủ tịch Hội nghị Liên chính phủ của Liên Hợp Quốc về Hiệp định BBNJ. Bà Rena Lee đã chia sẻ rất nhiều thông tin hữu ích về hiệp định Hiệp định BBNJ. Bên cạnh đó, về phía chuyên gia Đức có sự góp mặt của Tiến sĩ Kerstin Kröger, Nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học Queen’s Belfast, và Giáo sư Nele Matz-Lück từ Đại học Kiel. Hai chuyên gia đã chia sẻ nhiều kiến thức chuyên môn về khai thác biển sâu và cơ chế giải quyết tranh chấp trong BBNJ. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều khuyến nghị pháp lý cụ thể nhằm tăng cường hợp tác trong việc khám phá, khai thác và bảo tồn đa dạng sinh học biển trong ABNJ.
Đối thoại Biển lần thứ 13 đã nhấn mạnh vào sự chú ý ngày càng tăng đối với khai thác biển sâu do nhu cầu ngày càng cao về khoáng sản thiết yếu cho quá trình chuyển đổi năng lượng và chính sách khí hậu, cũng như các tác động tiêu cực tiềm tàng và ảnh hưởng của khai thác biển sâu. Cần có thêm các cuộc khảo sát đánh giá, nghiên cứu khoa học biển cũng như cần thiết lập các quy tắc trước khi tiến hành hoạt động khai thác.
Đối thoại biển lần thứ 13 kết thúc với lời kêu gọi tiếp tục đối thoại và hợp tác để giải quyết các thách thức và cơ hội ở vùng biển sâu, nhấn mạnh sự cần thiết phải cân bằng giữa các yếu tố tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và phúc lợi xã hội, cũng như thực hiện Hiệp định BBNJ một cách linh hoạt và hiệu quả.