Tham dự và phát biểu khai mạc, ông Simon Kreye, Phó Đại Sứ, ĐSQ Đức tại Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lành mạnh hóa hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như của cả hệ thống tài chính đối với sức khỏe của toàn bộ nền kinh tế. Việc thu thập ý kiến của các chuyên gia là vô cùng có ý nghĩa với công tác thẩm tra dự án luật, ông nói.
Diễn giả của hội thảo là các chuyên gia về tài chính-ngân hàng đến từ Đại học Bristol, Vương Quốc Anh: Gs. Klaus Schaeck và Ts. Hồ Quốc Tuấn cùng hai chuyên gia trong nước đến từ Uỷ ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia là Ts. Vũ Như Thăng, Phó Chủ Nhiệm, và Ts. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ Nhiệm. Các chuyên gia đã thảo luận các vấn đề mà ban thẩm tra dự án luật quan tâm:
- Vai trò của ngân hàng Trung ương, sự cần thiết của can thiệp sớm và quản trị rủi ro trong quản lý ngân hàng
- Các mô hình giám sát và quản trị ngân hàng
- Vấn đề người có liên quan và các định chế giám sát ngân hàng
- Tránh lạm dụng quyền của cổ đông lớn để thao túng hoạt động của ngân hàng
Việt Nam đang áp dụng hệ thống an toàn vi mô tức là giúp từng ngân hàng khỏe mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo:
- Việt Nam nên cân tiếp cận hệ thống an toàn vĩ mô để tránh khủng hoảng trên diện rộng.
- Công bố thông tin toàn bộ thành viên hội đồng quản trị kể cả cổ đông sở hữu 1% cổ phần. Tuy nhiên, không phải thông tin nào cũng cần thông báo đến công chúng vì có thể gây những hoảng loạn không cần thiết.
- Tăng cường lực lượng thanh tra ngân hàng và lực lượng này cần được đào tạo đầy đủ kỹ năng (nhất là về quản lý và phân tích dữ liệu), có chế độ đãi ngộ phù hợp và được trao quyền để phát hiện và xử lý vấn đề sớm.